Cảnh giác với các chiêu trò “mê tín, dị đoan”
Các chiêu trò mê tín, dị đoan đã và đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, gây thiệt hại cho nhiều gia đình, cá nhân về cả vật chất và tinh thần. Thậm chí còn có những người có hành vi xuyên tạc chính sách của Đảng và nhà nước ta về tự do tôn giáo, tín ngưỡng bài trừ mê tín, dị đoan. Lợi dụng văn hóa tâm linh, sự tin tưởng của người dân càng làm cho sự phát triển của các loại hình mê tín, dị đoan ngày càng tinh vi và ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an ninh, xã hội. Trước sự báo động về hành vi hành nghê mê tín, dị đoan đang diễn biến biến phức tạp và khó lường hơn bao giờ hết. Chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc bài viết nhằm giúp các bạn nắm rõ hơn về các thủ đoạn mê tín, dị đoan và hành vi hành nghề mê tín, dị đoan bị xử phạt như thế nào?
1. Mê tín, dị đoan là gì?
Mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép…) dẵn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khỏe, thời gian, tài sản, tính mạng. Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bới quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao, cúng hạn, cũng kem, tin thầy bùa thấy chú, tin cầu cúng tai qua nạn khỏi…
2. Hành nghề mê tín, dị đoan là gì?
Hành nghề mê tín dị đoan là hành vi dùng các biện pháp có tính chất huyễn hoặc, mê muội và không có căn cứ khoa học xác thực, nhằm làm cho người khác tin vào những gì mình nói để mưu cầu một lợi ích bất chính nào đó. Hay nói cách khác, hành nghề mê tín, dị đoan là lợi dụng lòng tin có tính chất mê tín, dị đoan của những người khác để trục lợi một cách bất chính.
3. Các chiêu trò mê tín, dị đoan.
- Bói toán: là đoán về tương lai. Có nhiều kiểu bói như: vào xem hát chèo đang diễn, gặp hồi vui thì cho là vận hay, gặp hồi buồn thì cho là vận xấu (bói chèo); đoán quẻ trong kinh dịch (bói dịch); gieo quẻ bằng ba đồng tiền (bói gieo, bói quẻ); mở truyện Kiều ra, rồi căn cứ vào cảnh tả trong một số câu trong truyện mà đoán hay hoặc dở (bói Kiều); xem các nét trên mai con rùa để đoán điều hay điều dở (bói rùa); căn cứ vào ngày tháng năm sinh, vào chỉ tay, lông mày, nốt ruồi hoặc các đặc điểm khác trên cơ thể để đoán số mệnh (bói số); rút thẻ rồi căn cứ vào các bài thơ, đoạn văn ghi sẵn trong số thẻ rồi đoán (bói thẻ) ….
- Đồng bóng: là hình thức cúng lễ có người cho thần thánh, hồn ma nhập vào (người ngồi đồng) rồi thông qua người này để nói về quá khứ, hiện tại, tương lai của người sống như là “ thánh phán”. Hình thức mê tín, dị đoan này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa hoặc nhà riêng của người hành nghề mê tín dị đoan (lập điện thờ).
- Các hành vi như: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình, gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa.… đều bị coi là hành nghề mê tín, dị đoan.
4. Hành nghề mê tín, dị đoan bị xử lý như thế nào?
Xử phạt hành chính
Căn cứ theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan như sau:
“ Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
…
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.”
Căn cứ theo Điểm a khoản 2 và khoản 4 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa
…
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a khoản 2 Điều này.”
Xử lý hình sự
Bên cạnh đó hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Và cần chú ý xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả tác hại xảy ra.
Theo điều 320 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:
“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
“ 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc quy định về mức xử phạt của tội hành nghề mê tín, dị đoan. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất