Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Chuẩn bị phạm tội có bị xử lý hình sự không?

14:27 CH
Thứ Sáu 20/08/2021
 1648

Tội phạm có thể diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Người cố ý phạm tội thường mong muốn thực hiện đến cùng hành vi phạm tội để đạt mục đích đề ra. Tuy nhiên, do những nguyên nhân ngoài ý muốn mà nhiều trường hợp người phạm tội đã không thể thực hiện được hết ý định phạm tội của mình. 

Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự (BLHS 2015) quy định:

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Căn cứ theo quy định trên có thể thấy rằng, người phạm tội chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, chứ không phải trường hợp nào chuẩn bị phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Từ quy định trên, ta có thể rút ra các đặc điểm của trường hợp chuẩn bị phạm tội như sau:

Dấu hiệu thứ nhất: Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn mà người chuẩn bị đã bắt đầu thực hiện ý định phạm tội bằng hành vi cụ thể ra ngoài thế giới khách quan. Đó có thể là hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm. Đây là đặc điểm để phân biệt với những trường hợp biểu lộ ý định phạm tội, không phải là trường hợp chuẩn bị phạm tội.

Các trường hợp chuẩn bị phạm tội có thể được thực hiện bởi các hành vi sau đây:

  • Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội. Ví dụ, mua sắm vũ khí, mài dao, kiếm, giáo, mác… trong các vụ án giết người, cố ý gây thương tích;

  • Tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm như: chuẩn bị kế hoạch, rủ rê, lôi kéo người đồng phạm, bàn bạc, phân công cho từng người đồng phạm; khảo sát địa điểm phạm tội, quy luật hoạt động của người bảo vệ; loại bỏ trước những khó khăn, trở ngại để thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn, dự tính trước việc chống cự, lẩn tránh nếu bị phát hiện,...

Dấu hiệu thứ hai: Trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, hành vi chuẩn bị phạm tội đã chấm dứt, người chuẩn bị phạm tội chưa bắt tay vào thực hiện hành vi được quy định tại điều luật cụ thể về tội phạm tương ứng được quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Đây là đặc điểm giúp phân biệt trường hợp chuẩn bị phạm tội với trường hợp phạm tội chưa đạt và trường hợp tội phạm hoàn thành.

Dấu hiệu thứ ba: Hành vi chuẩn bị phạm tội bị dừng lại vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội, hay nói một cách khác là vì nguyên nhân khách quan nên người chuẩn bị phạm tội đã không bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, việc người phạm tội phải dừng lại không thực hiện tội phạm là do những trở ngại khách quan (bản thân chủ thể mong muốn thực hiện tội phạm) như: Chuẩn bị súng để giết người hay cướp tài sản thì bị người khác hay nạn nhân phát hiện hoặc bị công an bắt giữ khi khám nhà, khám người; chuẩn bị thuốc nổ để chế tạo bom để khủng bố thì bị công an phát hiện;…Đây là đặc điểm để phân biệt chuẩn bị phạm tội với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (xem bình luận tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội).

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội.

Tuy được coi là một trong các giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm, nhưng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội còn hạn chế bởi hành vi chuẩn bị phạm tội chưa phải là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội định thực hiện, khách thể của tội định thực hiện chưa bị xâm hại, hậu quả nguy hại chưa xảy ra…BLHS năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi chuẩn bị phạm tội đối với một số tội cụ thể do yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý sớm (25/314 tội danh được quy định trong BLHS). 

Quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 khác với quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS năm 1999 ở ba điểm sau: 

Thứ nhất, Bộ luật đã thu hẹp đáng kể số hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (hành vi chuẩn bị phạm 25/314 tội danh được quy định trong BLHS không phân biệt loại tội); 

Thứ hai, Bộ luật quy định hành vi chuẩn bị phạm những tội danh cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự không chỉ tại điều luật về chuẩn bị phạm tội mà còn quy định hành vi chuẩn bị phạm tội và trách nhiệm hình sự của hành vi đó trong một khoản của điều luật quy định tội danh đó; 

Thứ ba,  Bộ luật cũng quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội là tội giết người (Điều 123 BLHS) và tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).

Đoạn 2 Điều 17 BLHS năm 1999 quy định khái quát “Người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự…” theo quy định này, căn cứ quy định phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 và quy định về các tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật này có thể xác định phạm vi những hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự là rất rộng (trên dưới 190 cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) và việc xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là không khả thi trong nhiều trường hợp.

Quy định mới của BLHS năm 2015 như phân tích trên đây cho thấy việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với hành vi chuẩn bị phạm một số tội (25 tội) và quy định cụ thể những tội danh, khung chế tài đối với từng hành vi chuẩn bị phạm tội vừa thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, vừa tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc áp dụng, đảm bảo tính công khai, minh bạch của luật hình sự.

Cần chú ý: Nếu hành vi chuẩn bị phạm tội đã cấu thành một tội độc lập khác thì ngoài tội chuẩn bị thực hiện được quy định phải chịu trách nhiệm hình sự, người có hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó. Ví dụ: lấy trộm súng quân dụng (chiếm đoạt vũ khí quân dụng) đề chuẩn bị phạm tội giết người thì người phạm tội không chỉ chịu trách nhiệm hình sự về giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .