Gây rối trật tự công cộng, Ngọc Trinh có thể đối diện với mức phạt nào?
Ngày 19-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC01) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, ngụ quận 7, nơi ở hiện tại TP Thủ Đức) để điều tra về tội "gây rối trật tự công cộng" (quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự).
Cơ quan điều tra xác định, Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4, huấn luyện viên lái xe của Ngọc Trinh) tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm.
Cả hai còn cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
1. Thế nào là gây rối trật tự công cộng?
Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm phạm đến sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng. Trong đó, nơi công cộng được hiểu là những địa điểm "kín” (rạp hát, rạp chiếu bóng...) hoặc “mở” (sân vận động, công viên, đường phố...) mà ở đó các hoạt động chung của xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.
2. Biểu hiện của hành vi gây rối trật tự công cộng
Biểu hiện cụ thể của hành vi gây rối trật tự công cộng có thể là:
- Lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người;
- Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng;
- Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ï, đua xe máy trái phép;
- Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng;
- Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng;
3. Ngọc Trinh có thể đối diện với mức phạt nào về hành vi gây rối trật tự công cộng?
Người có hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về trật tự công cộng. Hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm”
Như vậy, tùy thuộc và từng hành vi vi phạm cụ thể nếu xét đủ các yếu tố cấu thành tội phạm: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan mà tội gây rối mất trật tự công cộng sẽ bị phạt hành chính hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!