Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết

15:10 CH
Thứ Ba 03/08/2021
 5181

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 quy định: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”.

Theo quy định trên người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế có khả năng cùng song song tồn tại:

Một là, khả năng các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác sẽ bị thiệt hại do nguồn nguy hiểm bên ngoài gây ra.

Hai là, khả năng thiệt hại cho các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác sẽ không xảy ra nếu có sự ngăn chặn của mình bằng cách gây ra một thiệt hại khác cũng cho một lợi ích hợp pháp.

Trong tình thế đó, một người đã chọn phương án ngăn chặn thiệt hại do nguồn nguy hiểm khác gây ra cho lợi ích hợp pháp bằng cách thực hiện hành vi gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Việc gây ra thiệt hại nhỏ hơn để ngăn chặn một thiệt hại lớn hơn khi không còn cách nào khác tránh khỏi thiệt hại đó là có ích cho xã hội và được Nhà nước, xã hội khuyến khích. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế đó được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Hành vi này không phải là tội phạm và người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại của mình.

Điều kiện được coi là thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết

Thứ nhất, về tính chất của sự nguy hiểm

Cơ sở để làm phát sinh quyền thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là phải có sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm phải đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

  • Nguồn nguy hiểm làm phát sinh quyền thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết có thể do nhiều nguồn khác nhau: Do hành vi của con người, do sự tấn công của động vật, sự hỏng hóc của xe cộ, máy móc, sự tác động của các hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, hỏa hoạn. Đây là điểm khác biệt với trường hợp thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, trong đó cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng chỉ có thể là hành vi của con người.

  • Nguồn nguy hiểm làm phát sinh quyền thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết phải có thật, không phải do tưởng tượng, suy đoán.

  • Sự nguy hiểm phải đang gây thiệt hại, nghĩa là đã bắt đầu và chưa kết thúc việc gây thiệt hại hoặc chưa gây thiệt hại nhưng đe dọa gây thiệt hại ngay cho các lợi ích hợp pháp nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Như vậy, những trường hợp không có cơ sở phát sinh quyền thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết bao gồm:

  • Sự nguy hiểm không có thật mà do suy đoán, tưởng tượng;

  • Sự nguy hiểm chưa có nguy cơ thực tế gây thiệt hại ngay cho những lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ mà mới chỉ có khả năng gây thiệt hại trong tương lai;

  • Sự nguy hiểm đã kết thúc, nghĩa là không còn đe dọa gây thiệt hại thực tế cho các lợi ích hợp pháp.

Trong những trường hợp trên, hành vi gây thiệt hại sẽ không được coi là thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết.

Thứ hai, về tính chất của hành vi khắc phục sự nguy hiểm

  • Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa sự gây thiệt hại do sự nguy hiểm khác gây ra.

Đây cũng là điểm khác biệt so với hành vi phòng vệ chính đáng. Trong phòng vệ chính đáng, người phòng vệ thực hiện hành vi chống trả gây thiệt hại cho người tấn công cả trong khi họ có thể tránh khỏi thiệt hại bằng các biện pháp khác như chạy trốn, nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác. Còn trong tình thế cấp thiết, biện pháp gây thiệt hại một lợi ích hợp pháp để tránh một thiệt hại khác phải là biện pháp duy nhất. Nếu còn biện pháp khác để tránh khỏi thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra thì phải lựa chọn biện pháp khác đó. Gây thiệt hại cho một lợi ích hợp pháp để tránh khỏi một thiệt hại khác trong khi còn khả năng khác để tránh thiệt hại đó không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Người gây thiệt hại trong trường hợp đó phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây thiệt hại của mình.

  • Thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa

Việc gây ra một thiệt hại để tránh một thiệt hại chỉ có ích khi thiệt hại gây ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Do vậy, trong tình thế cấp thiết, thiệt hại của người thực hiện hành vi phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Việc gây thiệt hại lớn hơn hoặc bằng thiệt hại cần ngăn ngừa là không cần thiết. Do vậy, gây thiệt hại trong trường hợp đó không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

Trên thực tế, không phải trong trường hợp nào người thực hiện hành vi gây thiệt hại cũng đánh giá được chính xác mức độ gây thiệt hại của hành vi của mình với mức độ thiệt hại mà nguồn nguy hiểm có thể gây ra nên có thể gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Trong những trường hợp cụ thể phải đánh giá toàn diện các tình tiết có liên quan để xác định người gây thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa có lỗi đối với việc gây thiệt hại đó hay không, nếu người gây thiệt hại không thấy trước và không thể thấy trước được sự thiệt hại mà mình gây ra lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì người đó không bị voi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu người gây thiệt hại có khả năng thấy trước thiệt hại mà mình gây ra lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa mà trạng thái của người đó là để mặc hoặc cho rằng thiệt hại lớn hơn không xảy ra hoặc không thể thấy trước thiệt hại lớn hơn đó nhưng nếu có sự chú ý cần thiết họ có thể thấy trước để phòng tránh thì người gây thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa bị coi là có lỗi và họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 23 BLHS 2015, cụ thể:

Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .