Khai báo y tế không trung thực làm lây lan dịch bệnh bị xử lý như thế nào?
Hiện nay tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và đây là hành vi đáng phải lên án vì việc thiếu suy nghĩ, không trung thực của họ có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ cần phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi gian dối, không trung thực của mình.
Cố tình khai báo y tế không trung thực bị xử phạt thế nào?
Trách nhiệm hành chính việc cố tình khai báo y tế không trung thực
Căn cứ vào điểm a khoản 3 điều Nghị định 117/2020/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi cố ý khai báo y tế không trung thực là hành vi vi phạm về giám sát bệnh truyền nhiễm .
Việc cố ý khai báo y tế không trung thực thể hiện qua hành vi: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân. Đối với hành vi trên người vi phạm sẽ bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trách nhiệm hình sự việc cố tình khai báo y tế không trung thực
Căn cứ điều 240 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, việc cố tình khai báo y tế không trung thực gây hậu quả là lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì mức phạt tù sẽ tăng từ 05 năm đến 10 năm:
- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Làm chết người.
Nếu hậu quả dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc là làm chết 02 người trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm
Ngoài ra, có thể áp dụng hình phạt bổ sung như : Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi nào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình hình dịch Covid- 19
- Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 để gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
Mức phạt: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
- Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19 làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Mức phạt: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm.
- Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Mức phạt: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm.
- Hành vi liên quan đến quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị xử lý theo Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép và Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
- Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
Việc khai báo gian dối, không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch đang được các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là. Việc phòng chống dịch thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức của người dân. Do vậy, mỗi công dân đều phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trên đây là quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi khai báo y tế không trung thực làm lây lan dịch bệnh của chúng tôi cung cấp đến độc giả. Đồng thời, Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc quy định của pháp luật về lĩnh vực Hình sự nói chung cũng như hành vi khai báo y tế không trung thực làm lây lan dịch bệnh. Trân trọng!