Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Một số tình tiết được loại trừ trách nhiệm hình sự

15:26 CH
Thứ Ba 03/08/2021
 1495

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã chính thức quy định 01 chương riêng về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS), bao gồm 04 trường hợp kế thừa từ năm BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và 03 trường hợp mới được bổ sung. Tuy nhiên, trước và sau khi có BLHS 2015, về khiếu nại, phạm vi các trường hợp loại trừ TNHS vẫn còn chưa được nhận thức thống nhất, về nội dung chưa được quy định rõ ràng, thiếu tính khả thi…. 

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự bao gồm: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.

1. Sự kiện bất ngờ

Điều 20 BLHS năm 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo đó, sự kiện bất ngờ là trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người gây ra hậu quả thiệt hại đó không có lỗi vì họ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi gây hậu quả. Bản chất pháp lý của sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi không có lỗi do họ không tự lựa chọn thực hiện hành vi gây thiệt hại. Họ đã không thấy trước được tính chất (hậu quả) nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Hoàn cảnh khách quan không cho phép họ có thể thấy trước hậu quả của hành vi và họ cũng không có nghĩa vụ (bị buộc) phải thấy trước việc gây ra hậu quả đó. Như vậy, dấu hiệu có lỗi - cơ sở để xem xét một hành vi có là tội phạm là không, và có cần thiết áp dụng các biện pháp tác động về mặt pháp lý hình sự không đã không được thỏa mãn.

Trong sự kiện bất ngờ, có 02 loại trường hợp gây thiệt hại mà không thấy trước được hậu quả thiệt hại đó là:

- Không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại;

- Không có điều kiện để thấy trước mặc dù có nghĩa vụ phải thấy trước. Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể đã không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra là do khách quan. Đây chính là điểm khác biệt so với các trường hợp như sự kiện bất khả kháng, tình trạng không thể khắc phục được hoặc đối với trường hợp lỗi vô ý vì cẩu thả.

2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Điều 21 BLHS năm 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo quy định của điều luật, tình trạng không có năng lực TNHS có thể được hiểu là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Như vậy, có 02 dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực TNHS, cụ thể:

- Dấu hiệu y học (mắc bệnh, đó là người ở trong tình trạng không có năng lực TNHS là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần), đây là điều kiện cần;

- Dấu hiệu tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển, đó là người không có năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi gây thiệt hại và họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó), đây là điều kiện đủ. Cả 02 dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, dấu hiệu này là tiền đề của dấu hiệu kia và ngược lại, một người vì mắc bệnh nên mất khả năng điều khiển và bị mất khả năng điều khiển vì họ mắc bệnh.

Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình mới được coi là không có năng lực TNHS. Có nghĩa rằng họ phải thỏa mãn đồng thời 02 dấu hiệu trên, trong đó, dấu hiệu y học có vai trò là nguyên nhân là dấu hiệu tâm lý có vai trò là kết quả nhưng không có nghĩa mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển. Năng lực này có mất hay không, không những phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và vào tính chất của hành vi nguy hiểm nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện

3. Phòng vệ chính đáng 

Mời Quý vị xem thêm, thế nào là phòng vệ chính đáng

4. Tình thế cấp thiết

Mời Quý vị tham khảo thêm hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết

5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Bắt giữ người phạm tội là một trong các biện pháp ngăn chặn nhằm kịp thời ngăn chặn người phạm tội hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người phạm pháp sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội.Theo các quy định của pháp luật, người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì mọi người đều có quyền bắt người phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi thực hiện việc bắt người phạm tội thì công dân có quyền dùng vũ lực để bắt không?, có được gây thiệt hại cho người bị bắt hay không thì lại thuộc về vấn đề của luật hình sự

Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm thuộc về mọi cơ quan, mọi công dân đều có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm (Điều 4 BLHS 2015), theo đó, việc công dân dùng vũ lực bắt người phạm tội quả tang và người có lệnh truy nã là cần thiết. Trong quá trình bắt giữ người phạm pháp, người bắt giữ có thể dùng vũ lực, gây thiệt hại về sức khỏe cho người bị bắt. Căn cứ vào các tình tiết có liên quan đến việc bắt, như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm pháp, tính chất, mức độ chống trả của người bị bắt, nhân thân người phạm pháp, hoàn cảnh lúc và nơi xảy ra việc bắt giữ, trạng thái tâm lý của người bắt giữ…, nếu thấy trong quá trình bắt giữ người phạm pháp, mặc dù người bắt giữ dùng vũ lực, gây thiệt hại cho người bắt giữ nhưng việc dùng vũ lực, gây thiệt hại đó là cần thiết để bắt giữ người phạm pháp thì người bắt giữ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Trong sản xuất cũng như trong nghiên cứu khoa học cần có những thí nghiệm, thử nghiệm để áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp. Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm để áp dụng vào thực tế không tránh khỏi các trường hợp rủi ro có thể xảy ra gây thiệt hại mặc dù chủ thể đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết. Để có thể có được những thành quả trong sản xuất và nghiên cứu khoa học thì không tránh khỏi những rủi ro, gây ra những thiệt hại nhất định cho những lợi ích hợp pháp. Việc gây thiệt hại trong những trường hợp nhất định cần được coi là có lợi cho xã hội và người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hình sự.

7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên

Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ, việc nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên là một trong những quy tắc ứng xử của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hành vi thi hành lệnh cấp trên mà gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp thì người thi hành lệnh đó có phải chịu trách nhiệm hình sự không?. Để giải quyết vấn đề này, cần phân biệt hai trường hợp:

  • Lệnh của cấp trên hoàn toàn hợp pháp, nghĩa là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật thì người thi hành mệnh lệnh cấp trên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

  • Lệnh của cấp trên không hợp pháp và người thi hành lệnh gây thiệt hại cho những lợi ích hợp pháp. Có thể xảy ra các tình huống sau:

  • Người thi hành lệnh đó không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của việc thi hành lệnh đó, cũng không thể và không buộc phải thấy trước hậu quả đó thì người thi hành lệnh không bị coi là có lỗi và không chịu trách nhiệm hình sự.

  • Người thi hành lệnh đó thấy trước việc thi hành lệnh đó sẽ gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn mong muốn gây thiệt hại đó, hoặc để mặc cho thiệt hại đó xảy ra thì người thi hành lệnh có lỗi cố ý đối với hành vi gây thiệt hại của mình và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng do cố ý.

  • Người thi hành lệnh thấy trước khả năng gây thiệt hại của hành vi của mình nhưng tin rằng thiệt hại đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người đó không thấy trước thiệt hại do hành vi của mình gây ra nhưng nếu có sự chú ý cần thiết thì họ có thể thấy trước thiệt hại đó. Trong trường hợp này, người thi hành lệnh cấp trên bị coi là có lỗi và họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .