Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Mức xử phạt tội gây rối trật tự công cộng là bao nhiêu?

9:59 SA
Thứ Tư 22/05/2024
 100

Tội gây rối trật tự công cộng là gì?

Tội gây rối trật tự công cộng được hiểu là các hành vi xâm hại đến trật tự chung, an toàn công cộng hoặc xâm phạm đến thân thể, quyền lợi và sở hữu của con người diễn ra tại nơi công cộng. Trong đó nơi công cộng được hiểu là những địa điểm phục vụ cho nhu cầu của nhiều người. Địa điểm này thường là nơi mà các hoạt động xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên (ví dụ như rạp hát, rạp chiếu bóng, sân vận động, công viên,...).
 

Các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự nơi công cộng

Chủ thể phạm tội gây rối trật tự công cộng

Chủ thể của tội này không phải là chủ thể đặc biệt, nên người có hành vi vi phạm đến một độ tuổi nhất định và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội này.

Theo Điều 5, Bộ luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Do đó, người từ 14 tuổi trở lên vi phạm tội gây rối trật tự nơi công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tội này không có trường hợp tội phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên theo Điều 12, Bộ luật hình sự năm 2015, chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi gây rối trật tự nơi công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về cùng một hành vi hoặc đã bị kết án về tội này mà vẫn chưa được xoá án tích.

Khách thể bị phạm tội gây rối trật tự công cộng

Tội gây rối trật tự nơi công cộng xâm phạm trực tiếp đến trật tự, an toàn công cộng, đến các quy tắc sinh hoạt, đi lại, làm việc gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường đồng thời có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Mặt chủ quan của tội gây rối trật tự công cộng

Người thực hiện hành vi phạm tội gây rối trật tự nơi công cộng là do cố ý. Cố ý phạm tội được quy định trong Điều 10, Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạm tội trong các trường hợp sau đây:

Khoản 1.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Khoản 2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mặt khách quan của tội gây rối trật tự công cộng

a) Hành vi khách quan

Tội gây rối trật tự nơi công cộng diễn ra khi người phạm tội có một trong các hành vi sau: tập trung đông người ở nơi công cộng làm mất trật tự; có lời nói thô tục xúc phạm những người xung quanh ở nơi công cộng; có hành vi thô bạo xúc phạm những người xung quanh ở nơi công cộng; có hành vi dùng vũ lực để làm hư hỏng tài sản nhà nước, tài sản công dân ở nơi công cộng;...

Khi xác định hành vi gây rối trật tự nơi công cộng, nếu có hành vi phạm tội nhưng đã cấu thành tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng mà họ đã thực hiện, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Một số người trong quá trình phạm tội gây rối trật tự nơi công cộng mà có liên quan đến hành vi phạm tội khác nhưng không đủ dấu hiệu để cấu thành tội đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

b) Hậu quả

Hậu quả của hành vi gây rối trật tự nơi công cộng là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất đã được xác định là nghiêm trọng đối với xã hội.

Trong trường hợp người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội gây rối trật tự nơi công cộng, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc phải có. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về cùng một hành vi hoặc bị kết án mà chưa xoá án tích thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, hành vi gây rối trật tự công cộng được coi là gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

- Gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên;

- Gây cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên;

- Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả về vật chất, còn có các hậu quả phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, trật tự, an toàn xã hội,...


 

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi gây rối trật tự công cộng

Điều 7, Nghị định 150/2005/NĐ - CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có nêu rõ

Điều 7. Hành vi vi phạm trật tự công cộng

Khoản 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Điểm a) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay;

Điểm b) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Điểm c) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu bóng, nhà văn hoá, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, trụ sở cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên các phương tiện giao thông, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

Điểm d) Thả rông trâu, bò, ngựa, chó hoặc động vật khác trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Khoản 2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Điểm a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

Điểm d) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

Điểm đ) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;

Điểm e) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

Khoản 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Điểm c) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ: dao, lê, mã tấu, dây xích, côn, gậy… hoặc công cụ hỗ trợ;

Điểm d) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

Điểm e) Tụ tập để cổ vũ, kích động đua ca nô, xuồng máy, tàu thuyền trái phép;

Điểm g) Gây rối trật tự tại phiên toà, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

Điểm h) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

Điểm l) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

Điểm m) Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;

Điểm n) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về việc tập trung đông người ở nơi công cộng;

Khoản 4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây: vi phạm điểm a khoản 1; điểm đ khoản 2; điểm c khoản 3 Điều này thì bị tịch thu tang vật, phương tiện.
 

Mức xử phạt hình sự tội gây rối trật tự công cộng

Điều 318, Mục 4, Bộ luật hình sự năm 2015 có ghi rõ mức xử phạt hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng, cụ thể như sau:

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Khoản 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khoản 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Điểm a) Có tổ chức;

Điểm b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

Điểm c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

Điểm d) Xúi giục người khác gây rối;

Điểm đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

Điểm e) Tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, đối với người có hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng sẽ có mức xử phạt hành chính ít nhất là 60.000 đồng đến nhiều nhất là 2.000.000 đồng. Còn mức xử phạt hình sự thấp nhất là 5.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .