Quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là tính bắt buộc thi hành của văn bản quy phạm pháp luật đó trong một thời gian và không gian nhất định đối với những chủ thể pháp luật. Vậy một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực khi nào? Để giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin được gửi tới quý bạn đọc nội dung bài viết sau.
1. Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020).
Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
2. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Theo khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020), thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau:
Thứ nhất, không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.
Thứ hai, không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ ba, không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, thời gian đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng được quy định như sau:
Thứ nhất, đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.
Thứ hai, đăng Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh.
3. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Thứ nhất, chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Thứ hai, không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
+ Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
+ Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Thứ ba, đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.
4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Theo Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020), thời điểm văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.
Thứ hai, được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
Thứ ba, bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
5. Hiệu lực về không gian của văn bản quy phạm pháp luật
Hiệu lực về không gian của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020), cụ thể như sau:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó. Trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính thì hiệu lực về không gian và đối tượng áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương được xác định như sau:
+ Trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được chia vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính mới cho đến khi HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế;
+ Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được nhập vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính đó cho đến khi HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế;
+ Trường hợp một phần địa phận và dân cư của đơn vị hành chính được điều chỉnh về một đơn vị hành chính khác thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần địa phận và bộ phận dân cư được điều chỉnh.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.