Thế nào là tội xâm phạm chỗ ở của người khác ?
Xâm phạm chỗ ở của công dân, được hiểu là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi ngươi khác khỏi chỗ ở của họ một cách trái pháp luật có hành vi khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của họ (của công dân). Vậy hành vi này được quy định cụ thể trong luật nhưu thế nào, hãy cùng luật Sao Sáng tìm hiểu dưới bài viết sau đây nhé.
Thế nào là tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Bộ luật hình sự 2015?
Theo quy định tại Điều 158 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:
“ 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Phân tích về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Bộ luật hình sự 2015
Thứ nhất: Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các hành vi sau:
– Có hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác. Được thể hiện qua việc lục soát chỗ ở các người khác mà không được sự đồng ý của người đó và không có lệnh của người có thẩm quyền.
Việc thực hiện hành vi trên có thể do người không có thẩm quyền, nhưng cũng có thể là của người có thẩm quyển, cụ thể là:
+ Đối với người không có thẩm quyền: Việc tự động vào khám xét chỗ ở của người khác, bao giờ cũng trái pháp luật.
Ví dụ: Một người vì nghi ngờ người khác lấy trộm tài sản của mình nên đã vào nhà của người khác để lục soát.
+ Đối với người có thẩm quyền (như Điều tra viên, Kiểm sát viên…) được thể hiện qua hành vi lục soát nơi ở của người khác không đúng quy định của pháp luật (như tiến hành lục soát nhưng không có lệnh trong khi không thuộc trường hợp khẩn cấp).
– Có hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi nơi ở của họ. Được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác buộc người bị hại rời bỏ nơi ở của họ không đúng với quy định của pháp luật.
Ví dụ: Chấp hành viên đã áp dụng biện pháp cưỡng chế một người rời khỏi nơi ở của họ mà nội dung đó không có trong bản án hoặc quyết định của Toà án.
– Có hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Được hiểu là hành vi (ngoài hai hành vi nêu trên) làm cho người khác không thể thực hiện được việc sử dụng nơi ở (tức làm cho người khác không thể ở được tại nơi ở) của họ một cách trái pháp luật.
Lưu ý:
Đối tượng của tội phạm có thể là nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của ngươi bị hại, có thể là nơi ở nhờ, nơi thuê để ở hoặc bất cứ nơi nào mà người bị hại sử dụng để ở (như nhà kho, thùng xe, trên ghe tàu…)
Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này vối lỗi cố ý.
Chủ thể: Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ hai: Về hình phạt đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1)
Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
– Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ một năm đến ba năm. Được áp dụng đối với một trong các hành vi phạm tội sau đây:
+ Phạm tội có tổ chức. Được hiểu là trường hợp phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người (đồng phạm) cùng thực hiện tội phạm.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng (xem giải thích tương tự ở tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật).
– Hình phạt bổ sung (khoản 3)
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính như nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
+ Một số vấn đề cần chú ý:
“Chỗ ở của công dân” tuy điều luật không quy định là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp, nhưng theo Điều 73 Hiến pháp năm 1992 thì công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Từ căn cứ pháp lý nêu trên, theo quan điểm chúng tôi chỗ ở của công dân là nơi trú ngụ sinh sống, nơi đó có thể là hợp pháp.
Ví dụ như nhà ở đã được cấp quyền sở hữu nhà nhưng cũng có thể là bất hợp pháp như, ở gầm cầu, vỉa hè, công viên… Nếu chỗ ở của công dân là bất hợp pháp, khi muốn tác động di dời chỗ ở của họ thì phải tuân theo pháp luật quy định. Nếu tự ý xâm phạm chỗ ở của họ là có dấu hiệu của tội này.
Nếu do trình độ non kém hoặc thiếu trách nhiệm mà có hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân một cách bất hợp pháp thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành chính.
Theo quan điểm của chúng tôi nếu hành vi trái pháp luật xâm phạm chỗ ở của công dân là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay lập tức nhằm chiếm đoạt nhà của người khác, thì phạm vào tội cướp tài sản chứ không phạm vào tội này.
Những trường hợp pháp luật cho phép khám xét chỗ ở của công dân
Khám xét chỗ ở theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự gồm Điều 140 – căn cứ khám chỗ ở của công dân; Điều 141 – thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở của công dân; Điều 143 – Nội dung khám chỗ ở của công dân.
Khám xét chỗ ở theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, gồm: Điều 49 – Khám nơi cất giấu tang vật phương tiện; Điều 45 – thẩm quyền khám xét nơi cất giấu tang vật phương tiện.
Như vậy, khám xét chỗ ở của công dân ngoài những quy định pháp luật nêu trên, được coi là khám xét trái pháp luật.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân bị xâm hại, không kể mức độ gây hại nhiều hay ít. Nếu chỗ ở của công dân chưa bị xâm phạm thì không cấu thành tội này.
Ví dụ: Người có thẩm quyền ký quyết định trái pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc chuẩn bị kế hoạch, công cụ phương tiện để đuổi người khác đi chiếm đoạt nhà của họ, nhưng chưa thực hiện… các hành vi này chưa cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân.