Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CÁC NGÀNH NGHỀ BỊ CẤM KINH DOANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

11:13 SA
Thứ Hai 26/12/2023
 5655

Theo quy định tại Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Mặc dù vậy pháp luật có quy định danh mục những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên nhiều người dân và doanh nghiệp do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến việc kinh doanh những ngành nghề không được phép. Sau đây bài viết của chúng tôi sẽ chia sẻ tới bạn đọc về danh mục những ngành nghề bị Nhà nước cấm từ đó giúp bạn đọc có thêm kiến thức pháp luật và tránh những vi phạm trong đầu tư, kinh doanh.

1. Căn cứ pháp lý

Luật Đầu Tư 2020                     

Luật hóa chất 2007

Luật năng lượng nguyên tử 2008

Luật đa dạng sinh học 2008

Luật lâm nghiệp 2017

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Bộ luật Hình sự 2015

Nghị định 137/2020/NĐ-CP

Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Pháp lệnh 10/2003/PL-UBTVQH11

Người dân được tự do kinh doanh tất cả những ngành nghề Nhà nước không cấm tuy nhiên sẽ có những ngành nghề đặc biệt mà bị cấm không được đầu tư kinh doanh. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 có quy định các hoạt động bị cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó có 8 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh

2. Cấm kinh doanh một số chất ma túy

Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Sử dụng ma túy nhiều lần sẽ bị lệ thuộc cả về thể chất lẫn tâm lý, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như an toàn xã hội. Chính vì vậy đây là ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh với danh mục 47 chất ma túy, căn cứ Phụ lục 1 “Các chất ma túy cầm đầu tư kinh doanh”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020 (tăng thêm 2 chất so với Luật đầu tư năm 2014).

3. Cấm kinh doanh một số loại hóa chất, khoáng vật

Hóa chất là một dạng vật chất có hợp chất và đặc tính hóa học không đổi. Khoáng vật là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên được hình thành trong quá trình địa chất. Hóa chất và Khoáng vật nếu không biết cách sử dụng hoặc quá lạm dụng thì cũng gây nguy hiểm cho con người.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với các loại hóa chất, khoáng vật được quy định cụ thể gồm 4 nhóm trong Luật hóa chất, căn cứ Điều 7 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất”, Luật hóa chất năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2018 và 14 nhóm trong Luật năng lượng nguyên tử, căn cứ Điều 12 về “Những hành vi bị nghiêm cấm”, Luật năng lượng nguyên tử năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018.

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 18 loại, nhóm hóa chất, khoáng vật, căn cứ Phụ lục II “Danh mục hóa chất, khoáng vật”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020 (tăng 5 loại, nhóm so với Luật đầu tư năm 2014).

4. Cấm kinh doanh một số mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với động vật, thực vật hoang dã được quy định cụ thể gồm:

9 hành vi trong Luật đa dạng sinh học, căn cứ Điều 7 về “Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học”, Luật đa dạng sinh học năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018.

9 hành vi trong Luật lâm nghiệp, căn cứ Điều 9 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp”, Luật lâm nghiệp năm 2017.

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, căn cứ Phụ lục III. “Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.

Như vậy, về bản chất, pháp luật không cấm toàn bộ, mà chỉ hạn chế một cách nghiêm ngặt việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm trên.

5. Cấm kinh doanh mại dâm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh 10/2003/PL-UBTVQH11 về phòng, chống mại dâm “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm”. Mại dâm là một hoạt động dựa vào sự khoái lạc của bản thân, kinh doanh trên thân xác của người bán dâm, làm mất các giá trị đạo đức, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Theo Bộ luật Hình sự, mại dâm là một nghề bị pháp luật cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm các hành vi khác nhau như Tội chứa mại dâm quy định tại Điều 327, Tội môi giới mại dâm quy định tại Điều 328, Tội mua dâm người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 329. Do đó, đây là ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh ở nước ta.

6. Cấm mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người

Hành vi mua bán người hoặc bộ phận cơ thể người theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 bị coi là tội phạm và xét xử hình sự với mức phạt tù từ 03 - 20 năm tùy mức độ và hành vi phạm tội, vì vậy đây cũng là một trong những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

7. Cấm hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người

Căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"2. Cấm các hành vi sau đây:

...

Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;"

Sinh sản vô tính là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản mà thế hệ con được sinh ra từ một cơ thể mẹ duy nhất, và thừa hưởng các gen chỉ từ cơ thể mẹ đó. Đây là hoạt động xâm phạm đến nhân quyền, nếu việc sinh sản vô tính được pháp luật cho phép, có thể dẫn đến nguy cơ gia đình những người đã chết tự ý nhân bản họ, điều này có thể trái với nguyện vọng của người quá cố, hoặc con người lúc bấy giờ sẽ bị sinh sản vô tính nhằm mục đích phục vụ chiến tranh.

Chính vì những nguy cơ đó mà đây là ngành nghề bị cấm.

8. Cấm kinh doanh pháo nổ

Điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP có quy định “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;”

Theo điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo… có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.

Do đó, kinh doanh pháo nổ là một trong những ngành nghề cấm kinh doanh tại nước ta.

9. Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Trong quá trình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước đây, nhiều công ty đòi nợ thuê đã không tuân thủ các quy định của pháp luật. Thậm chí có nhiều “biến tướng” của dịch vụ đòi nợ thuê thành xã hội đen, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho xã hội như: Khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, phá hoại tài sản, đe doạ, trấn áp … liên quan đến mạng người…

Do đó, tại Luật Đầu tư 2020, pháp luật đã đưa dịch vụ đòi nợ thành một trong những ngành nghề bị cấm kinh doanh ở nước ta.

Ngoài những quy định trên, Khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 cũng quy định việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, Nhà nước đã có quy định về những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp và người dân cần nắm bắt thông tin để không vi phạm pháp luật và tránh những thiệt hại không đáng có.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng xin gửi đến quý bạn đọc về danh mục những ngành nghề bị Nhà nước cấm đầu tư kinh doanh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ với chung tôi qua hotline” 0936.56.36.36 - 0813821268 hoặc email: luatsaosang@gmail.com để được chúng tôi tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .