ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI?
Hoạt động kiểm định xe cơ giới là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu các tổ chức muốn thành lập trung tâm đăng kiểm thì phải đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật và tuân thủ theo thủ tục đăng ký thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều kiện thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
1. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới là gì?
Đơn vị (hay trung tâm) đăng kiểm xe cơ giới là các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới. Trong đó, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới là chứng chỉ xác nhận đơn vị đăng kiểm đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phương tiện giao thông đường bộ hiện nay bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới hay còn gọi chung là xe cơ giới được khoản 19 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ định nghĩa bằng cách liệt kê như sau: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Như vậy, có thể hiểu xe cơ giới là toàn bộ các loại phương tiện sau đây: ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ móc được kéo theo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (tính cả xe điện) và các loại xe tương tự.
2. Điều kiện thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
* Điều kiện chung thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông vận tải ban hành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
* Điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định
- Mặt bằng đơn vị đăng kiểm là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng một khu đất, có diện tích được quy định như sau:
+ Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2;
+ Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2;
+ Đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 2.500 m2;
+ Đối với đơn vị đăng kiểm có từ 03 (ba) dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625 m2.
- Xưởng kiểm định:
+ Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I: Kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 30 x 4 x 3,5 (m);
+ Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II: Kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 36 x 5 x 4,5 (m);
+ Đối với xưởng kiểm định có nhiều dây chuyền kiểm định bố trí cạnh nhau thì khoảng cách giữa tâm các dây chuyền kiểm định không nhỏ hơn 4 m và khoảng cách từ tâm dây chuyền ngoài cùng đến mặt trong tường bao gần nhất của xưởng kiểm định không nhỏ hơn 2,5 m;
+ Đối với trường hợp dây chuyền kiểm định bố trí tại nhiều xưởng kiểm định thì tổng chiều dài tối thiểu các xưởng kiểm định phải bằng chiều dài tương ứng với loại dây chuyền quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
- Dây chuyền kiểm định phải được bố trí, lắp đặt các thiết bị kiểm tra và dụng cụ kiểm tra phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành, đảm bảo kiểm tra được đầy đủ các hệ thống, tổng thành, chi tiết của xe cơ giới tham gia giao thông để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật giao thông đường bộ.
* Điều kiện về nhân lực:
Nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
- Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.
- Có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các quy định tại Nghị định này. (Điều 5, 6, 7 Nghị định 139/2018/NĐ-CP)
3. Hồ sơ thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
Hồ sơ thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bao gồm:
- Văn bản đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới;
- Danh sách trích ngang kèm theo bản sao được chứng thực hợp đồng lao động theo quy định hoặc quyết định tiếp nhận đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; quyết định bổ nhiệm đối với phụ trách dây chuyền kiểm định; quyết định bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị đăng kiểm (nếu có);
- Bản đối chiếu các quy định về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể và mặt bằng nhà xưởng có bố trí các dây chuyền và thiết bị kiểm tra;
- Tài liệu về bảo đảm an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 8 Nghị định 139/2018/NĐ-CP)
4. Thủ tục thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
- Bước 1: Sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm, tổ chức lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
- Bước 2: Trong vòng 03 ngày làm việc, nếu hồ sơ đầy đủ và phù hợp theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo cho tổ chức về thời gian kiểm tra, đánh giá thực tế đơn vị đăng kiểm. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không phù hợp theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo cho tổ chức bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do;
- Bước 3: Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kiểm tra, đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế.
Kết quả đánh giá được lập thành Biên bản theo mẫu.
Nếu đạt yêu cầu thì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 05 ngày làm việc; nếu kết quả kiểm tra, đánh giá không đạt yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản trong vòng 05 ngày làm việc để tổ chức khắc phục và tiến hành kiểm tra, đánh giá lại.
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác.
- Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo mẫu.(Khoản 2, 3, 4 Điều 8 Nghị định 139/2018/NĐ-CP).
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung điều kiện thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới? Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.