Mua bảo hiểm xe máy để làm gì?
Khi tham gia giao thông, bạn hoàn toàn có thể gặp phải những tai nạn đâm, va,... gây thiệt hại nghiêm trọng về của cải vật chất cũng như người ngồi trên xe. Không những phải chịu trách nhiệm đối với người thứ ba mà còn phải tự chịu chi phí sửa chữa.
Có thể thấy, việc mua bảo hiểm xe máy là rất cần thiết. Hay nói cách khác, mua bảo hiểm xe máy chính là bạn mua sự an toàn cho chính bản thân trước khi gặp phải những rủi ro.
Bảo hiểm xe máy là gì? Có mấy loại bảo hiểm xe máy?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc xe máy: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải có khi tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm TNDS sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe). Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.
- Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp. Tùy vào loại hợp đồng bảo hiểm được ký giữa người mua và công ty bảo hiểm, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ được quy định trong hợp đồng.
Bảo hiểm xe máy có tác dụng gì?
Tại Nghị định số 03/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, đây là loại hình bảo hiểm mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo luật định. Mặt khác, đây là một trong số những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra; đồng thời giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc sẽ không chịu trách nhiệm chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho chủ xe (người mua bảo hiểm). Thay vào đó, bảo hiểm bắt buộc này dùng để khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ.
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.
Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.
Mức bồi thường bảo hiểm về người sẽ được xác định dựa trên Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người theo quy định của Bộ Tài chính. Và mức bồi thường thiệt hại về tài sản được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe; Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; Chiến tranh, khủng bố, động đất; Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Xe máy không mua bảo hiểm có bị phạt?
Theo đúng tinh thần "tự nguyện", chủ xe máy không mua bảo hiểm tự nguyện không bị phạt. Nhưng nếu không có bảo hiểm xe máy bắt buộc, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Có thể thấy, mức phạt này cao hơn nhiều so với giá bảo hiểm xe máy bắt buộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về việc mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy.
Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng cảm ơn!