NGƯỜI NƯỚC NGOÀI SỐNG Ở VIỆT NAM THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Do đó, họ có nhu cầu tìm hiểu về những phúc lợi mà mình được hưởng, trong đó có việc tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng nắm được những yêu cầu cũng như quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm y tế. Sau đây, Luật Sao Sáng sẽ cùng độc giả tìm hiểu vấn đề này.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014)
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn luật bảo hiểm y tế
2. Người nước ngoài ở Việt Nam có được tham gia bảo hiểm y tế không?
Căn cứ theo khoản 2, Điều 1 của luật bảo hiểm y tế, phạm vi áp dụng của bảo hiểm y tế bao gồm
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của đối tượng áp dụng
…
2. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
…”
Như vậy, Luật bảo hiểm y tế không phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là quyền lợi thiết thực của người lao động và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người mang quốc tịch nước ngoài.
Tuy nhiên, người nước ngoài tham gia bảo hiểm y tế cần căn cứ vào các nhóm đối tượng để biết được hình thức đóng bảo hiểm y tế trong từng trường hợp, cụ thể là: (i) Người nước ngoài là người lao động tại Việt Nam; (ii) Người nước ngoài không phải người lao động tại Việt Nam.
3. Người nước ngoài là người lao động tại Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế như nào
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 đã quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“ Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
….”
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ về những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
“ Điều 1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
…”
Việc cho phép người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm y tế là một biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của họ trong quá trình làm việc tại Việt Nam.
4. Người nước ngoài không phải lao động tại Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế như nào?
Nếu người nước ngoài muốn tham gia bảo hiểm y tế nhưng không phải là người lao động, họ có thể đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Tuy nhiên, hình thức tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện duy nhất mà họ có thể chọn là đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, được quy định tại Điều 5 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“Điều 5. Nhóm tham gia bào hiểm y tế theo hộ gia đình
1. Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.
2. Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo quy định này, để tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình, người nước ngoài cần có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng với các thành viên khác trong gia đình ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc người nước ngoài phải có quan hệ họ hàng hoặc quan hệ hôn nhân với người Việt Nam và được chấp nhận là thành viên của hộ gia đình trong hồ sơ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình cho phép người nước ngoài và các thành viên gia đình của họ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế tương tự như người dân Việt Nam. Điều này bao gồm khám bệnh, điều trị, phẫu thuật, và các dịch vụ y tế khác trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, việc đăng ký và nộp các khoản tiền bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình cũng phải tuân thủ các quy định và thủ tục của cơ quan chức năng liên quan.
Ngoài ra, nhóm bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước sẽ bao gồm những đối tượng là người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam với điều kiện được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi y tế cho người nước ngoài đang theo học tại Việt Nam.
5. Mức đóng bảo hiểm y tế cho người nước ngoài
5.1. Mức đóng bảo hiểm y tế cho ngừoi nước ngoài là lao động tại Việt Nam
Mức đóng bảo hiểm cho người nước ngoài là lao động đang làm việc tại Việt Nam đượcc quy đình tại khoản 2 Điều 3 Luật bảo hiểm y tế 2008
“ Điều 3. Nguyên tắc bảo hiểm y tế
…
2. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở
…”
Như vậy, pháp luật về bảo hiểm y tế không phân biệt giữa người lao động là người Việt Nam hay người nước ngoài khi đóng bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được xác định là 1,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm này được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương và là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật. Ngoài tiền lương, mức đóng bảo hiểm cũng có thể căn cứ vào các khoản tiền trợ cấp, tiền lương hưu hoặc mức lương cơ sở khác mà người nước ngoài nhận được.
5.2. Mức đóng bảo hiểm y tế cho người nước ngoài không phải người lao động tại Việt Nam
Đối với người nước ngoài không phải lao động tại Việt Nam, họ sẽ đóng bảo hiểm y tế theo hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình. Mức đóng của hình thức bảo hiểm y tế này được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
“Điều 7. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tê
…
e, Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
…”
Như vậy, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế cho các người nước ngoài trong hộ gia đình được xác định theo các tỷ lệ sau:
- Người thứ nhất: đóng 4,5% mức lương cơ sở.
- Người thứ hai: đóng 70% mức đóng của người thứ nhất.
- Người thứ ba: đóng 60% mức đóng của người thứ nhất.
- Người thứ tư: đóng 50% mức đóng của người thứ nhất.
- Từ người thứ năm trở đi: đóng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất trong hộ gia đình là căn cứ để tính toán mức đóng của các thành viên khác. Việc đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho người nước ngoài thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi y tế cho cộng đồng người nước ngoài sống tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về Đóng bảo hiểm y tế cho người nước ngoài tại Việt Nam. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.