QUY ĐỊNH VỀ MIỄN VÀ GIẢM NGHĨA VỤ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ.
Khi bản án, quyết định dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể có quyền và nghĩa vụ thi hành án phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều trường hợp việc thi hành không thể thực hiện được do người phải thi hành án qua một thời gian dài vẫn không có tài sản để thi hành án và khả năng để họ có tài sản để thi hành án là không có. Việc pháp luật quy định về các trường hợp miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thi hành án dân sự và phần nào giảm bớt khó khăn về tài chính cho người phải thi hành án. Bài viết sau đây giúp các bạn đọc hiểu rõ hơn về các quy định về miễn và giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
1. Cơ sở của việc miễn và giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
Miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách nhà nước theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà có đủ điều kiện do pháp luật quy định nên được tòa án có thẩm quyền quyết định miễn thi hành toàn bộ các khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn lại
Giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách nhà nước theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà có đủ điều kiện do pháp luật quy định nên được tòa án có thẩm quyền quyết định giảm thi hành một phần các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Cơ sở của việc quy định về miễn, giảm thi hành án dân sự trong pháp luật thi hành án dân sự chính là dựa vào tình hình thực tế về tài sản của người phải thi hành án dân sự, về thời gian mà bản án, quyết định vẫn chưa thể được thi hành, về giá trị khoản thu nộp ngân sách nhà nước và dựa vào hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
2. Nguyên tắc và các trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
a. Nguyên tắc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành dân sự
Theo quy định tại khoản 5 Điều 61 LTHADS và Điều 3 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 15/9/2015 thì việc xét miễn, giảm thi hành đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo các nguyên tắc sau:
- Người phải thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 61 LTHADS chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong một năm đối với mỗi bản án, quyết định.
- Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
- Việc xét miễn, giảm thi hành án phải được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thời hạn và các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật có liên quan.
- Người được xét miến, giảm thi hành án không phải nộp các chi phí liên quan đến việc miễn, giảm. Chi phí cho việc xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí họa động của cơ quan thực hiện việc miễn, giảm thi hành án.
Ngoài ra, theo Điều 4 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 15/9/2015, người đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ xét giảm tiếp khi người đó đã thi hành được một phần hình phạt tiền chung theo quy định của Bộ luật hình sự về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.
b. Các trường hợp được miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Người phải thi hành án được miễn hoàn toàn nghĩa vụ thi hành thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Theo khoản 1 Điều 61 LTHADS, người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau:
+ Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
- Người phải thi hành án được miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Theo khoản 2 Điều 61 LTHADS, người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau:
+ Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
c. Các trường hợp được giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
Theo quy định tại khoản 3 Điều 61 LTHADS thì những người có nghĩa vụ thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước chỉ được giảm một phần nghĩa vụ thi hành án dân sự khi có một trong các điều kiện sau:
+ Đã hết thời hạn 5 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
+ Đã hết thời hạn 10 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị trên 100 triệu đồng.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 61 LTHADS thì mức giảm khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
+ Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mỗi lần giảm không quá ¼ số tiền còn lại phải thi hành án.
+ Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100 triệu đồng thì mỗi lần được giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng.
Trường hợp người phải thi hành án được giảm hết khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước theo quyết định thi hành án thì việc thi hành án được xem là kết thúc.
3. Thẩm quyền và thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
a. Thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
Thẩm quyền xét, miễn giảm thi hành án dân sự được quy định theo tiêu chí lãnh thổ. Việc này nhằm tạo được điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án trong việc xác minh về điều kiện tài sản, khả năng thi hành nghĩa vụ và thời gian thi hành án của người phải thi hành án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 LTHADS thì thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, tòa án quân sự khu vực (gọi chung là tòa án cấp huyện) nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở.
b. Thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành dân sự
Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án hiện này được thực hiện theo Điều 63 LTHADS và hướng dẫn tại Chương II Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 15/9/2015, bao gồm các bước sau:
- Yêu cầu xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Xác minh điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Thụ lí hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Tổ chức phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Ra quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
- Giải quyết kháng nghị đối với quyết định xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về các quy định về miễn và giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.