Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Thủ tục tuyên bố người mất tích, chết

16:28 CH
Thứ Bảy 11/01/2025
 25

Việc xác định tình trạng pháp lý của một cá nhân không chỉ là vấn đề nhân thân mà còn liên quan mật thiết đến các quyền lợi và nghĩa vụ về tài sản. Khi một người mất tích trong thời gian dài hoặc có căn cứ xác định đã qua đời nhưng chưa có giấy chứng tử, pháp luật đặt ra các quy định cụ thể để tuyên bố họ mất tích hoặc đã chết nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ nhân thân và tài sản của người đó.

1. Khái niệm người mất tích và người chết trong pháp luật

Căn cứ vào khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015, người mất tích được hiểu là người biệt tích từ 02 năm liền trở lên. Biệt tích là không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chỉ khi Tòa án tuyên bố người đó mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan thì người đó mới được xem là người mất tích theo pháp luật. 

Theo khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015, người bị tuyên bố là người chết khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người không có tin tức xác thực là còn sống sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
  • Người biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Người bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Người biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

Một người được xem là người chết chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó đã chết theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.

2. Ý nghĩa pháp lý của việc tuyên bố người mất tích và người chết

Việc tuyên bố một người mất tích có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý tài sản của người đó. Khi một người được tuyên bố mất tích, tài sản của họ sẽ được quản lý theo quy định của pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của những người có liên quan.

Việc tuyên bố một người đã chết có ý nghĩa pháp lý quan trọng như sau:

  • Chấm dứt các quan hệ pháp lý liên quan đến người đó, bao gồm quan hệ hôn nhân và quyền thừa kế.
  • Giúp giải quyết các vấn đề về tài sản, cho phép những người thừa kế hợp pháp có thể phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ pháp lý để tuyên bố người mất tích hoặc người chết

Để tuyên bố người mất tích hoặc người chết, Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 68 và Điều 71 Bộ luật dân sự 2015. 

3.1 Đối với người mất tích

Người đó phải là người biệt tích từ 02 năm liền trở lên. Dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.

Người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính:

  • Từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; 
  • Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
  • Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

3.2 Đối với người chết

Người chết là người thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người không có tin tức xác thực là còn sống sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
  • Người biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Người bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Người biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

Thời hạn 05 năm được tính:

  • Từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; 
  • Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
  • Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã chết. Những người có quyền yêu cầu tuyên bố người đã mất tích, người chết có thể bao gồm Người thân (cha mẹ, vợ chồng, con đẻ, con nuôi…) hoặc người có liên quan đến giao dịch với người bị tuyên bố mất tích (người cho vay tiền, người đi vay…),....

Người có quyền yêu cầu tuyên bố người đã mất tích, người chết gồm cha mẹ, con, người cho vay,...

4. Thủ tục tuyên bố người mất tích

Để yêu cầu tuyên bố một người mất tích, người có quyền, lợi ích liên quan đến người bị yêu cầu tuyên bố mất tích cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Người có quyền, lợi ích liên quan chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn yêu cầu kèm theo các chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền

Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất tích:

Theo Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất tích gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liên tục trở lên mà không có bất cứ thông tin xác thực nào về việc người này còn sống hay đã chết.
  • Giấy tờ chứng minh việc đã sử dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm của người yêu cầu với người bị tuyên bố mất tích: Quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú (bản sao - nếu có).
  • Bản sao y CCCD của người yêu cầu

Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người mất tích:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích là yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng thời, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng.

Tóm lại, cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người mất tích là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng trước khi mất liên lạc. 

Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích

Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

  • Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
  • Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

Thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này. (căn cứ khoản 1 Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

  • Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Bước 3: Quyết định tuyên bố một người mất tích

Căn cứ Điều 389 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

  • Khi đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích được chấp nhận thì Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất tích.
  • Trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự, cụ thể tại Điều 69 Bộ luật dân sự 2015.

Khi đơn yêu cầu tuyên bố người mất tích được chấp thuận thì Tòa ra quyết định tuyên bố người này mất tích

5. Thủ tục tuyên bố người chết

Để yêu cầu tuyên bố một người đã chết, người có quyền, lợi ích liên quan đến người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Người có quyền, lợi ích liên quan chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn yêu cầu kèm theo các chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền

Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết:

Theo Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết;
  • Tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015. 

Ví dụ như quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật; Tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 05 năm liên tục trở lên mà không có bất cứ thông tin xác thực nào về việc người này còn sống hay đã chết, …..

  • Bản sao y CCCD của người yêu cầu.

Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người là đã chết:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng thời, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết có nơi cư trú cuối cùng.

Tóm lại, cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người đã chết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết có nơi cư trú cuối cùng trước khi mất liên lạc. 

Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Căn cứ Điều 392 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

  • Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết.
  • Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. (căn cứ vào khoản 2 Điều 388 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

Thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này. (căn cứ khoản 1 Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

  • Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
  • Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thông báo.

Bước 3: Quyết định tuyên bố một người là đã chết

Theo quy định tại Điều 393 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: nếu đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết của người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó được chấp nhận thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.

Khoản 3 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Thủ tục tuyên bố người chết, mất tích là một lĩnh vực quan trọng trong pháp luật dân sự, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Việc hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định không chỉ giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý mà còn góp phần duy trì trật tự, ổn định xã hội. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của một hệ thống pháp luật hiện đại và nhân văn.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .