TRÌNH TỰ THỦ TỤC TUYÊN BỐ NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ NHƯ THẾ NÀO?
Trên thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều người có vấn đề bệnh lý về tâm thần; khiến họ không nhận thức được hành vi mình thực hiện là đúng hay sai. Để bảo vệ quyền lợi cho họ; cũng như để tránh trường hợp có người lợi dụng những người có bệnh lý tâm thần để thực hiện những giao dịch bất hợp pháp; pháp luật cho phép người thân của họ yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Vậy cần thực hiện trình tự thủ tục như thế nào để Tòa án quyết định người mất năng lực hành vi dân sự?
1. Căn cứ pháp luật
- Bộ luật dân sự 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP
2. Thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự?
Việc xác định năng lực hành vi của cá nhân là không giống nhau, những cá nhân khác nhau có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Năng lực hành vi là khả năng bằng chính hành động của chủ thể để tạo ra các quyền, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực chịu trách nhiệm khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Việc nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân phụ thuộc vào ý chí và lí trí của cá nhân đó.
Vậy “người mất năng lực hành vi dân sự” là gì?
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 về vấn đề này như sau:
"Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Từ quy định trên cho thấy, cơ sở xác định người mất năng lực hành vi dân sự phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, người đó phải mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.
- Thứ hai, phải có yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan với người đó, hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị mắc bệnh nói trên là mất năng lực hành vi dân sự. Yêu cầu này được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Thứ ba, căn cứ để Tòa án ra quyết định là kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần về việc người bị yêu cầu đã mắc bệnh đến mức không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Tòa án tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần sau khi có đơn yêu cầu của đương sự, chi phí cho việc trưng cầu giám định do người yêu cầu chịu. Việc giám định phải do tổ chức có chuyên môn là tổ chức giám định pháp y tâm thần mà không phải một tổ chức nào khác như cơ sở y tế hay phòng khám tư nhân, để đảm bảo rằng kết quả giám định là hoàn toàn chính xác và đảm bảo khách quan.
Như vậy, không phải bất cứ ai bị bệnh tâm thần và có dấu hiệu mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi cũng được xem là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Một người chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi được Tòa án xác định và tuyên bố. Quy định về người mất năng lực hành vi dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, tránh tình trạng có sự lợi dụng, lôi kéo từ các chủ thể khác trong việc bắt họ phải thực hiện các giao dịch có lợi cho cá nhân.
3. Hồ sơ làm thủ tục tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự bao gồm những gì?
- Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự: Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự theo mẫu số 01 Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP (Thay thế mẫu số 92 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).
- Bản kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh người bị yêu cầu bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Nếu không có kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, thì có thể yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định.
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người yêu cầu là người có quyền yêu cầu
- Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
- Tài liệu khác có liên quan.
4. Trình tự thủ tục tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự được pháp luật quy định là như thế nào?
Thủ tục tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo pháp luật quy định được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thành phố (gọi chung là Tòa án huyện) nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu
Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án phải:
– Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
– Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
– Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu.
* Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:
– Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
– Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.
– Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu.
– Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
* Tòa án phải gửi ngay quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
* Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
Bước 4: Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn giải quyết là 45 ngày tính từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
5. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự khi nào?
Căn cứ theo Điều 379 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 đã ban hành quy định về quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, theo đó:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1…..Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.”
Như vậy, trong trường hợp người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong vấn đề nhận thức, làm chủ hành vi không còn ở trong tình trạng đã bị tuyên bố thì chính người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người có quyền, lợi ích liên quan; cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn toàn có quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định. Người yêu cầu hủy bỏ quyết định mất năng lực hành vi dân sự phải là chính người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng xin gửi đến quý bạn đọc về trình tự, thủ tục để Tòa án quyết định tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0936.56.36.36 – 0972.17.27.57 hoặc email: luatsaosang@gmail.com để được chúng tôi tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.