Những lưu ý về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Hiện nay, các vụ án liên quan đến tội phạm có chức vụ đang được giới dư luận ngày càng quan tâm trong thời gian qua. Có thể kể đến vụ án Giao dịch viên của LienViet Post đã chiếm đoạt trái phép hàng tỉ đồng, vụ sập cầu ở Biên Hòa hay là việc khai thác gỗ lim trái phép ở Quảng Bình,…… Điểm chung là các bị can bị khởi tố đều liên quan tới việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để xác định đây có phải là tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015.
Trong 7 tội phạm chức vụ được quy định tại Mục 2 Chương XXIII BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362); Tội đào nhiệm (Điều 363); Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365) và Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366).
Trên tình hình thực tiễn đấu tranh phòng chống, tội phạm diễn ra gần đây cho thấy xảy ra nhiều nhất là “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015 thì: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp: thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Ngoại trừ trường hợp quy định tại các Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), Điều 308 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 376 (Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn).
* Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: Tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
- Khách quan: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.
Thiếu trách nhiệm không thực hiện nhiệm vụ được giao là thiếu trách nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ mà pháp luật quy định người đó phải thực hiện hoặc chức trách, nhiệm vụ được người có thẩm quyền giao thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Do thiếu trách nhiệm Kiểm sát viên đã truy cứu TNHS người không có tội hoặc Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án kết tội người không có tội làm người đó hoặc bị tổn hại cho sức khỏe do bị giam giữ lâu ngày…
Hành vi thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Làm chết người;
Phạm tội làm chết người là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Cần lưu ý, hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp 100.000.000 đồng trở lên, nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thì người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 179 BLHS.
Hành vi của người được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng gây ra một trong các hậu quả sau đây: làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên, nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 308 BLHS.
Hành vi của người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh giác, áp giải để người thực hiện tội phạm trốn làm vụ án bị tạm đình chỉ hoặc người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm, nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn, thì người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn theo Điều 376 BLHS.
- Mặt chủ quan: Tội phạm thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội có thể nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó nhưng cho rằng hậu quả nguy hiểm không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hậu quả nhưng người đó phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm đó.
- Chủ thể: Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ, quyền hạn.
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
* Hình phạt:
- Khung hình phạt tại khoản 1:
Người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
- Khung hình phạt tại khoản 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm chết 02 người;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết 02 người. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tổn cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Khung hình phạt tại khoản 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
Phạm tội làm chết 03 người trở lên là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội gây hậu quả chết người 03 người trở lên. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Hình phạt bổ sung tại khoản 4:
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nguyễn Văn Phong