Đồng phạm bao gồm những người nào? Phân loại đồng phạm
Trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, việc xác định đúng vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành, người giúp sức, người tổ chức, người xúi giục có ý nghĩa rất lớn trong công tác xét xử đồng thời, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội....
* ĐỒNG PHẠM GỒM NHỮNG NGƯỜI NÀO
Căn cứ vào tính chất tham gia của mỗi người trong đồng phạm, tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) đã quy định có 04 loại người đồng phạm đó là: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức.
1. Người thực hành
Theo khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 quy định: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”
Hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm có thể được biểu hiện như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Trực tiếp thực hiện tội phạm thể hiện ở việc trực tiếp thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể Phần các tội phạm của BLHS.
Ví dụ: Trực tiếp thực hiện tội giết người là trưc tiếp giết người (trực tiếp bắn, chém, bỏ thuốc độc vào thức ăn,…); trực tiếp thực hiện tội hiếp dâm là trực tiếp dùng bộ phận sinh dục này đưa vào bộ phận sinh dục của nạn nhân,…
Người trực tiếp thực hiện tội phạm thông thường là người tự mình thực hiện hành vi được quy định là dấu hiệu hành vi trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi có thể không sử dụng hoặc có sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội tác động vào đối tượng phạm tội gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trong đồng phạm, có thể có nhiều người thực hành. Những người này được gọi là là những người đồng thực hành. Đối với trường hợp này, không đòi hỏi mỗi người đều phải thực hiện toàn bộ hoạt động tạo nên hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm. Mỗi người thực hành có thể chỉ thực hiện một hoạt động, một phần thuộc hành vi khách quan của tội phạm. Tổng hợp các hoạt động của những người đó tạo nên hành vi khách quan của tội phạm.
Ví dụ: Hành vi khách quan của tội hiếp dâm là “dùng vũ lực …. Giao cấu trái ý muốn người khác”. Những người giữ chân, giữ tay… để người khác giao cấu trái ý muốn nạn nhân đều được coi là người thực hành vì hành vi của họ kết hợp với hành vi giao cấu của người khác tạo nên hành vi khách quan của tội hiếp dâm.
- Trường hợp thứ hai: Người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có thể không tự mình thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng tác động của tội phạm mà có thể hành động tác động đến người khác để người đó thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng của tội phạm. Những người mà người phạm tội có thể tác động đến để thực hiện hành vi ý định phạm tội của mình bao gồm:
+ Người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự
+ Người không có năng lực trách nhiệm hình sự
+ Người không nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (không có lỗi) hoặc có lỗi vô ý do nhận thức sai lầm hành vi của mình.
Người thực hành có thể trực tiếp thực hiện tội phạm bằng hành động cụ thể hành vi bị pháp luật cấm hoặc không thực hiện nghĩa vụ nào đó mà pháp luật yêu cầu phải làm và có đủ điều kiện để làm.
Người thực hành là người giữ vai trò là trung tâm vụ đồng phạm. Bởi hành vi của người thực hành trực tiếp tác động đến đối tượng, gây thiệt hại cho các quan hệ xã hộ là khách thể trực tiếp của tội phạm. Xác định người thực hành trong vụ đồng phạm có ý nghĩa trong việc định tội, quyết định hình phạt, giải quyết các vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm và vụ án đồng phạm.
2. Người tổ chức
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Trên thực tế cho thấy, người tổ chức có thể chỉ giữ vai trò là người cầm đầu hoặc chủ mưu hoặc chỉ huy nhóm đồng phạm, nhưng cũng có thể họ vừa chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ huy nhóm đồng phạm thực hiện tội phạm.
Trong số những người đồng phạm, người tổ chức thường được coi là người nguy hiểm nhất. Do vậy, hình thức đối với người tổ chức thường nghiêm khắc hơn những người đồng phạm khác. Phản ánh tính nguy hiểm cao của người đồng phạm với vai trò người tổ chức, Điều 3 BLHS quy định nguyên tắc xử lý là “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối,…”.
3. Người xúi giục
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người có hành vi tác động đến ý thức, tư tưởng của người khác làm cho người bị xúi giục thực hiện tội phạm. Người xúi giục có thể là người dã nghĩ ra việc phạm tội và đã xúi giục người khác tham gia vào việc phạm tội đó. Cũng có thể người xúi giục chỉ có hành vi kích động, thúc đẩy người khác vố đã có ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện tội phạm để họ đưa ra quyết định thực hiện tội phạm trên thực tế.
Người xúi giục có thể vừa xúi giục người khác thực hiện tội phạm vừa trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm với người bị xúi giục.
Hành vi này được thể hiện ở đặc điểm:
- Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là phải trực tiếp tác động vào một hoặc một số người nhất định nhằm gây ra một tội phạm nhất định. Những lời kêu gọi, hô hào chung chung, không hướng tới những người xác định, không trực tiếp nhằm thực hiện một tội phạm nhất định thì không phải là hành vi xúi giục.
- Hành vi này phải cụ thể, nghĩa là phải hướng tới việc thực hiện một tội phạm nhất định. Việc truyền bá, phổ biến những tư tưởng xấu cho một người hoặc một số người khiến những người này đi vào con đường phạm tội phải là hành vi xúi giục trong đồng phạm.
- Lỗi phải là lỗi cố ý trực tiếp.
4. Người giúp sức
Người giúc sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Đặc điểm của người giúp sức là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Nói cách khác, trong đồng phạm, người giúp sức có thể thực hiện hành vi giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần cho những người đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội.
- Giúp sức về vật chất có thể được biểu hiện ở những hành vi cụ thể, như cung cấp công cụ, phương tiện cho người khác, loại bỏ, khắc phục những khó khăn, trở ngại… để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm.
- Giúp sức về tinh thần có thể được biểu hiện ở việc đưa ra những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp sơ đồ nơi gây án, tình hình, quy luật hoạt động của nhân viên bảo vệ, của chủ nhà…. Hành vi giúp sức về tinh thần tạo cho người thực hành có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm và củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm của người đó.
Hành vi giúp sức có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.
Ví dụ: thỏa thuận với người thực hành buôn lậu đi qua khu vực tuần tra, canh gác của mình sẽ không bị bắt giữ.
Hành vi giúp sức về tinh thần khác hành vi xúi giục trong đồng phạm ở chỗ: Hành vi xúi giục là hành vi tác động đến ý chí người khác chưa có ý định phạm tội hoặc có ý định phạm tội nhưng chưa quyết định thực hiện tội phạm, với ý thức làm cho người bị xúi giục quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Còn hành vi giúp sức về tinh thần không có ý nghĩa thúc đẩy người khác quyết định thực hiện tội phạm (người khác đã tự quyết định thực hiện tội phạm rồi) mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi, củng cố thêm quyết tâm phạm tội của người được giúp sức khi thực hiện phạm tội.
* PHÂN LOẠI TỘI PHẠM
Căn cứ vào đặc điểm mối quan hệ giữa những người đồng phạm về mặt chủ quan và khách quan, khoa học hình sự phân loại đồng phạm thành các loại khác nhau.
1. Phân loại theo dấu hiệu khách quan
Căn cứ vào dấu hiệu khách quan thì có thể chia thành đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp.
- Đồng phạm giảm đơn: là hình thức đồng phạm mà trong đó những đồng phạm đều có vai trò là người thực hành.
Trong hình thức đồng phạm, những người đồng phạm được gọi là những người đồng thực hành. Tất cả những người đồng phạm đều trực tiếp thực hiện tội phạm, nghĩa là thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại điều luật của BLHS. Họ có thể thực hiện toàn bộ những hành vi khách quan của tội phạm hoặc họ chỉ thực hiện một phần trong hành vi khách quan của tội phạm.
- Đồng phạm phức tạp: là hình thức đồng phạm trong đó giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò. Một hoặc một số người giữ vai trò người thực hành, còn những người khác giữ vai trò tổ chức, xúi giục hay giúp sức.
Trong đồng phạm phức tạp, ngoài người giữ vai trò là người thực hành, là người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có những người khác tham gia giữ các vai trò khác nhau: tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức….
2. Phân loại theo dấu hiệu chủ quan
Có thể chia thành: đồng phạm có thông mưu trước và đồng phạm không có thông mưu trước
- Đồng phạm không có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm mà trong đó giữa những người cùng thực hiện tội phạm không có sự bàn bạc, thỏa thuận trước với nhau hoặc thỏa thuận, bàn bạc nhưng không đáng kể.
Hình thức đồng phạm này thường có trong những trường hợp những người đồng phạm gặp nhau, nảy sinh ý định phạm tội và bắt tay luôn vào thực hiện tội phạm. Một số trường hợp khi tội phạm đang do một người thực hiện lại có thêm người khác cùng tham gia tiếp tục thực hiện tội phạm.
- Đồng phạm không có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm trong đó những người đồng phạm có sự bàn bạc, thỏa thuận trước về việc cùng thực hiện tội phạm.
Do có sự bàn bạc, thỏa thuận trước nên khả năng gây nguy hại của loại đồng phạm không có thông mưu trước. Cho nên, với những điều kiện khác giống nhau, hình thức đồng phạm có thông mưu trước thường được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hình thức đồng phạm không có thông mưu trước.
3. Phạm tội có tổ chức
Căn cứ khoản 2 Điều 17 BLHS 2015 thì: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.
Từ định nghĩa trên thì ngài các dấu hiệu của đồng phạm nói chung, phạm tội có tổ chức, có dấu hiệu đặc trưng là “có sự câu kết chặt chẽ” giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm nên để xác định trường hợp cụ thể nào đó có thể là phạm tội có tổ chức, trước hết phải xác định trường hợp đó thỏa mãn dấu hiệu dồng phạm nói chung.
Trong các trường hợp đồng phạm, những người phạm tội thường có bàn bạc trước và có sự phân công thực hiện tội phạm, nhưng không phải bất cứ trường hợp nào có bàn bạc trước và có sự phân công thực hiện tội phạm cũng đều là phạm tội có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Ví dụ: A và B muốn có tiền tiêu nên đã rủ nhau đi trộm cắp tài sản, tại hiện trường, A phân công B canh gác để A lấy trộm tài sản. Đây là trường hợp đồng phạm thông thường; không phải là trường hợp đồng phạm có tổ chức.
Phạm tội có tổ chức có các dấu hiệu của đồng phạm chung và có thêm dấu hiệu “có sự câu kết chặt chẽ” giữa những người thực hiện.
Để phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác, ngày 16/11/1988, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02-HĐTP/NQ hướng dẫn một số biểu hiện của sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm trong trường hợp phạm tội có tổ chức. Nghị quyết nêu rõ: Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng:
“a) Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
b) Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…
c) Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm v.v…”
Do có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm nên trường hợp phạm tội có tổ chức có nhiều khả năng gây ra những hậu quả nguy hại rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội. Trong một số tội phạm, tinh tiết phạm tội có tổ chức được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng (tình tiết định khung hình phạt tăng nặng) trong BLHS 2015.
Ví dụ: tội giết người (điểm o khoản 1 Điều 123); tội hiếp dâm (điểm a khoản 2 Điều 141); tội cướp tài sản (điểm a khoản 2 Điều 168); tội trộm cắp tài sản (điểm a khoản 2 Điều 173),…. Ngoài ra, phạm tội có tổ chức còn được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 1 Điều 52).
Quý vị có thể tham khảo thêm: Đồng phạm là gì? Các dấu hiệu của đồng phạm
Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề đồng phạm nói riêng và quy định của pháp luật về lĩnh vực Hình sự nói chung.
Trân trọng Kính chào!