Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Phân loại cấu thành của tội phạm

9:27 SA
Thứ Tư 27/10/2021
 4246

Cấu thành tội phạm là được hiểu là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng bao gồm các dấu hiệu chủ quan và các dấu hiệu khách quan, khách thể và chủ thể được ghi nhận trong pháp luật hình sự làm căn cứ để xác định một hành vi phạm tội cụ thể. Việc nắm rõ các quy định của pháp luật về cấu thành tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tội phạm cụ thể.

Cấu thành tội phạm được chia thành nhiều nhóm khác nhau, dựa trên những tiêu chí nhất định như: tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; căn cứ theo đặc điểm cấu trúc của mặt khách quan của tội phạm;....

I/ Phân loại cấu thành tội phạm theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

1/ Cấu thành tội phạm cơ bản

Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm mà trong đó có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng, phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là căn cứ để phân biệt tội phạm đó với những tội phạm khác.

Ví dụ: cấu thành cơ bản của tội “Trộm cắp tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) có các dấu hiệu: về khách thể, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản; chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự; mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện ở lỗi cố ý trực tiếp, mục đích vụ lợi; mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lén lút bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc tài sản là di vật, cổ vật.

2/ Cấu thành tội phạm tăng nặng

Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà trong đó ngoài những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản còn có thêm dấu hiệu khác làm tăng lên tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm so với những trường hợp phạm tội thông thường khác (so với tội phạm được ghi nhận ở cấu thành tội phạm cơ bản).

Ví dụ: Khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 là quy định về cấu thành tội phạm tăng nặng của tội trộm cắp tài sản, trong đó quy định:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3/ Cấu thành tội phạm giảm nhẹ

Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà trong đó ngoài những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản còn có thêm dấu hiệu khác làm giảm đi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm so với những trường hợp phạm tội thông thường khác (so với tội phạm được ghi nhận ở cấu thành tội phạm cơ bản).

Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 119 BLHS 2015 quy định về cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội chống phá trại giam, trong đó quy định: “Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”. Đây là trường hợp phạm tội giảm nhẹ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm so với trường hợp phạm tội chống phá trại giam được quy định tại khoản 1 Điều 199 BLHS 2015 (cấu thành tội phạm cơ bản) với hình phạt là “bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.

Trong luật hình sự, dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản còn được gọi là “dấu hiệu định tội” hay “tình tiết là yếu tố định tội”. Dấu hiệu của cấu thành tội phạm giảm nhẹ hoặc của cấu thành tội phạm tăng nặng còn được gọi là “dấu hiệu định khung” hay “tình tiết yếu tố định khung”. Đây là các dấu hiệu (tình tiết) khác biệt với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 BLHS 2015) và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52 BLHS 2015).

Tình tiết là dấu hiệu định tội (hoặc là yếu tố định tội) là tình tiết (dấu hiệu) thuộc cấu thành tội phạm cơ bản, có ý nghĩa xác định tội danh cụ thể, là cơ sở để phân biệt tội mà cấu thành tội phạm phản ánh với tội khác.

Tình tiết là dấu hiệu định khung (hoặc là yếu tố định khung) là tình tiết (dấu hiệu) thuộc cấu thành tội phạm giảm nhẹ hoặc cấu thành tội phạm tăng nặng, có ý nghĩa xác định khung hình phạt giảm nhẹ hoặc khung hình phạt tăng nặng trong một điều luật để áp dụng đối với người phạm tội.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết được quy định tại Điều 51 BLHS mà khi có nó sẽ làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, do đó làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội so với những trường hợp phạm tội tương tự mà không có tình tiết giảm nhẹ đó.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tính tiết được quy định tại Điều 52 BLHS mà khi có nó sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, do đó làm tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội so với những trường hợp phạm tội tương tự mà không có tình tiết tăng nặng đó.

Một tình tiết đã là dấu hiệu (yếu tố) định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khoản 3 Điều 51 BLHS 2015 quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Khoản 2 Điều 52 BLHS 2015 quy định: “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

II/ Phân loại cấu thành tội phạm theo đặc điểm cấu trúc của mặt khách quan của tội phạm

Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của mặt khách quan của tội phạm, các cấu thành tội phạm được phân loại thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức.

1/ Cấu thành tội phạm vật chất

Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm trong đó mặt khách quan của tội phạm có các dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra. 

Ví dụ: Cấu thành tội phạm quy định tại Điều 123 BLHS 2015 là cấu thành tội phạm vật chất vì trong cấu thành tội phạm giết người chứa đứng dấu hiệu hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật (một cách cố ý) và dấu hiệu gây ra hậu quả chết người.

2/ Cấu thành tội phạm hình thức

Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm trong đó chỉ có dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của tội phạm. 

Ví dụ: cấu thành tội phạm cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 BLHS 2015 được thể hiện ở hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Trong luật hình sự có trường hợp một người mới chỉ có hành vi “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức” nhằm lật đổ chính quyền đã bị coi là tội phạm. Khoa học luật hình sự gọi cấu thành tội phạm của tội phạm đó là cấu thành tội phạm “cắt xén”. Thực chất, hành vi “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức” trong tội phạm này là một dạng biểu hiện của hành vi khách quan của tội phạm, nghĩa là một dạng của cấu thành tội phạm hình thức.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .